Ăn nhiều hoa quả giàu vitamin như cam, quýt; uống trà gừng, chanh mật ong hoặc ngâm chân trước khi ngủ để giữ ấm, hạn chế ốm khi trời rét.
Từ 22/1, đợt không khí lạnh tăng cường tràn xuống miền Bắc, nền nhiệt giảm sâu xuống dưới 10 độ C.
PGS. TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết khi giao mùa, nhiệt độ thấp làm tăng khả năng mắc bệnh. Lúc này, cơ chế bảo vệ của cơ thể hoạt động không hiệu quả khiến virus dễ xâm nhập vào khoang mũi và đường hô hấp trên, gây cảm lạnh, cúm và Covid-19. Niêm mạc cổ họng cũng trở nên yếu ớt, dễ bị virus, vi khuẩn... tấn công.
Triệu chứng phổ biến là đau, vướng họng khi nuốt, sốt, khàn tiếng, ho, sổ mũi do bị kích ứng ở đường hô hấp trên.
Để đảm bảo sức khỏe, các chuyên gia gợi ý một số bí quyết như sau:
Ăn nhiều hoa quả
Đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh sử dụng những thức ăn, nước lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Một số loại quả nên ăn như cam, quýt giàu vitamin C có tác dụng phòng ngừa cảm lạnh. Ăn thêm bưởi, chanh, các loại trái cây có múi khác để bổ sung vitamin cho cơ thể trong thời điểm giao mùa.
Ăn nhiều trái cây như dưa hấu, ổi, cà chua, chuối, rau xanh và bổ sung protein từ nguồn động vật, thực vật giúp nuôi dưỡng làn da. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa nên ăn mỗi ngày như rau màu xanh đậm, hạt, quả mọng, chocolate đen...
Uống trà nóng
Thời tiết lạnh dễ gây cảm lạnh, ho, đau họng dai dẳng, thường biểu hiện rõ rệt vào buổi sáng và tối. Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Việt Nam, cho biết vào mùa lạnh, gia đình nên dự phòng gừng, sả, mật ong để uống, tăng cường hệ miễn dịch, giảm đau họng, ho, sốt.
Trường hợp ho lâu ngày không dứt, ho có đờm, dùng gừng giã dập, chưng với mật ong để ngậm. Trẻ em ho lâu ngày không khỏi, lấy 200 g gừng tươi nấu nước tắm... Lưu ý, gừng tính nóng nhiệt cao, người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón, người nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi thì không nên ăn nhiều.
Cách khác là uống hỗn hợp nước ấm pha chanh, mật ong khi vừa ngủ dậy giúp thanh lọc cơ thể, tốt cho tiêu hóa, chữa ho và viêm họng hiệu quả. Nên pha mật ong với nước ấm, bởi nước lạnh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa trong dạ dày. Không nên uống quá nhiều một lúc mà nhấp từng ngụm nhỏ.
Lá diếp cá có thể sắc cùng nước vo gạo uống để tăng miễn dịch, bổ sung dưỡng chất và điều trị viêm họng. Húng chanh tươi nấu nước xông hoặc thêm gừng, hành để xông cho ra mồ hôi, giảm mệt mỏi.
Trà xanh, trà cúc là thức uống tốt cho sức khỏe với nhiều chất chống oxy hóa, tăng cường chức năng gan và khuyến khích sản xuất enzyme giải độc. Các chất chống oxy hóa trong trà xanh cũng giúp ngăn ngừa mụn cóc sinh dục, bệnh gan, các vấn đề tiêu hóa, nhiễm khuẩn và nhiều loại ung thư.
Bên cạnh đó, bạn luôn nhớ bổ sung nước từ 1,5 đến 2 lít mỗi ngày. Nếu không thích uống nước, bạn có thể ăn trái cây để cung cấp vitamin, chất xơ, vừa giảm ngấy.
Ngâm tay chân trước khi ngủ
Để giữ ấm, bạn có thể ngâm tay, chân trong nước ấm 40-50 độ, khoảng 15-20 phút trước khi đi ngủ để tăng huyết lưu thông, giúp tinh thần thoải mái, ngủ ngon hơn.
Thường xuyên massage lòng bàn tay, lòng bàn chân để tuần hoàn máu ở vùng này được tăng cường, giúp tay chân ấm nóng.
Tắm nước ấm, có thể thêm tinh dầu thiên nhiên như tinh dầu gừng, bạc hà, hoa quế, hoa oải hương... để thúc đẩy lưu thông máu.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng ngải cứu, gừng, muối hoặc hành tím để ngâm tay chân và giữ ấm.
Lưu ý, chỉ ngâm nước đến dưới mắt cá chân, ngược lại có thể gây phản tác dụng. Áp dụng đều đặn vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Khi ngâm xong thì lau khô tay chân và giữ ấm bằng tất, tránh tiếp xúc với nước lạnh. Nếu chân lạnh nhiều, có thể dùng lót giày bằng vỏ gỗ quế để làm ấm và kích thích các huyệt ở bàn chân.
Trong một số trường hợp, tay lạnh và bàn chân lạnh có thể là nguyên nhân của các bệnh như huyết áp thấp, suy giáp, các bệnh về tim mạch... Bạn nên đi khám định kỳ để theo dõi sức khỏe và điều trị sớm.
Ngâm chân thảo dược phòng bệnh mùa lạnh
Ngâm chân trong nước ấm thảo dược 10-15 phút giúp giảm đau nhức khớp, khí huyết lưu thông, làm ấm đôi chân, giúp bạn dễ ngủ và sâu giấc.
Ngoài ra, người dân cần giữ ấm đầy đủ, nhất bàn tay, chân, ngực, cổ đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm. Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, hạn chế đến những chỗ đông người.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Dọn dẹp nhà cửa và giữ vệ sinh sạch sẽ với các loại vật dụng (cốc chén, bát đũa...), nhất là khi có người ốm trong gia đình.
Đối với nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, cần tiêm phòng cúm trước hai tháng, người già cần tuân thủ điều trị bệnh lý nền. Không tự ý bỏ thuốc, kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số thường xuyên, kiểm soát mỡ máu.
Theo vnexpress