Sỏi thận có thể gây đau dữ dội ở vùng thắt lưng một bên. Cơn đau thường lan ra phía trước hoặc di chuyển xuống dưới. Người bệnh cũng có thể đi tiểu nhiều dù lượng nước uống vào không thay đổi. Dưới đây là những nguyên nhân gây sỏi thận.
Chế độ ăn uống không lành mạnh như ăn nhiều natri (muối) có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận vì natri đi vào cơ thể ngăn nước tiểu tái hấp thu canxi, dẫn đến canxi có nhiều trong nước tiểu.
Ăn quá nhiều thịt động vật cũng làm tăng lượng axit trong nước tiểu, tạo điều kiện hình thành sỏi thận. Tiêu thụ lượng lớn đường fructose có liên quan đến căn bệnh này.
Rối loạn chuyển hóa uric (bệnh gout) có thể bị sỏi thận vì đây là nguyên nhân chính gây tăng urat trong máu, khiến các cặn khoáng chất dễ lắng đọng tại thận.
Người mắc bệnh về đường tiêu hóa như từng trải qua phẫu thuật cắt dạ dày, bệnh viêm ruột hoặc tiêu chảy mạn tính cũng thuộc nhóm nguy cơ. Những bệnh này về lâu dài có thể dẫn đến những thay đổi trong quá trình tiêu hóa ảnh hưởng đến hấp thụ canxi và nước, làm tăng mức độ chất tạo sỏi trong nước tiểu.
Người lớn tuổi như trên 60 tuổi có nguy cơ phát triển sỏi nhiều hơn so với người trẻ.
Nghiên cứu năm 2023 của Trung tâm thận học Mesogeios và Trường Y khoa NYU Grossman, Mỹ, cho thấy nam giới từ 80 tuổi trở lên có nguy cơ bị sỏi thận cao nhất với tỷ lệ 19,7%, tiếp theo là 18,8% ở nam giới 60-79 tuổi, nam giới 40-59 tuổi là 11,5% và 5,1% ở nam giới 20-39 tuổi.
Trọng lượng cơ thể không được kiểm soát có thể dẫn đến tăng bài tiết canxi, oxalate và axit uric qua nước tiểu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận chứa canxi. Theo các nhà khoa học, tỷ lệ mắc sỏi tăng lên khi chỉ số khối cơ thể tăng.
Khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ các chất khoáng trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại ở thận, tăng nguy cơ phát triển sỏi. Một số lý do khiến cơ thể có lượng nước tiểu thấp gồm: không uống đủ lượng nước được khuyến nghị cho trọng lượng cơ thể; trải qua tình trạng mất nước do nguyên nhân môi trường hoặc tình trạng bệnh lý; tập thể dục mà không bổ sung nước và uống đủ nước.
Các chuyên gia khuyến nghị, nên uống 10-12 cốc nước mỗi ngày, và nhớ uống một cốc nước trước khi đi ngủ.