Xuất khẩu gỗ nội thất đang tăng tốt nhưng thị trường Mỹ khó đoán và cước tàu biển tăng là ẩn số cho đà phục hồi nửa cuối năm.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mang về 6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 18% so với cùng kỳ 2023, theo Tổng cục Hải quan. Riêng sản phẩm gỗ ước tính hơn 4 tỷ USD, tăng 7,5%. Cả 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất đều tăng trưởng dương.
"Xuất khẩu đã hồi phục trở lại", bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng giám đốc công ty Sao Nam, chuyên sản xuất ván sàn cho biết. Theo bà Loan, khách hàng từ Nhật Bản đã quay lại như xưa, trong khi khách Mỹ có cải thiện.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) nói các công ty đã có đơn hàng quý III, một số có đơn cho quý IV. "Đa số đánh giá đơn hàng đã phục hồi tốt hơn nhiều so với nửa cuối 2023", ông cho biết.
Năm ngoái, ngành gỗ nội thất xuất khẩu 14,3 tỷ USD, giảm 15,8% so với 2022 và không đạt mục tiêu 17,5 tỷ USD. Năm nay, ngành này đặt lại mục tiêu này trong bối cảnh các doanh nghiệp, chuyên gia lạc quan hơn về sức mua của thế giới.
Các diễn biến gần đây cũng cho thấy việc bán được gần 12 tỷ USD trong 7 tháng còn lại của năm sẽ không đơn giản, khi một số yếu tố khó đoán đang nổi lên.
Đầu tiên là sức mua của Mỹ, thị trường chiếm hơn một nửa kim ngạch. 5 tháng qua, nước này chi hơn 3,33 tỷ USD mua gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, tăng 26%. Ngoài khả năng Cục dự trữ liên bang (Fed) có thể giảm lãi suất vào tháng 9, giúp kích cầu tiêu dùng và bất động sản, các dữ liệu mua sắm chưa nhiều tích cực.
Theo thông tin công bố tuần trước của hãng nghiên cứu thị trường GlobalData, chi tiêu cho các mặt hàng liên quan đến không gian sống trong quý I như đồ gia dụng, nội thất và cải tạo nhà cửa lần lượt giảm 4,2%, 6,8% và 4,1% so với cùng kỳ 2023.