Chuỗi cung ứng ngành gỗ Việt được nhận định có tuổi đời khoảng 18 - 20 năm. Tuy nhiên, vai trò các doanh nghiệp Việt trong chuỗi này vẫn còn khá mờ nhạt. Tự cường trên chuỗi cung ứng là không dễ nhưng đây là sứ mệnh buộc các doanh nghiệp Việt phải làm.
Từ bài học quá khứ...
Tại buổi talkshow “Giải mã kinh doanh” diễn ra ngày 8/7, trong bài diễn thuyết của mình, doanh nhân Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch AA Corporation - đã chia sẻ về định hướng của AA, của Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) và những trăn trở của ông đối với ngành gỗ Việt.
Trong đó, ông nhấn mạnh đến kinh nghiệm có được khi tham dự một Hội nghị về ngành gỗ ở Trung Quốc cách đây 6 năm. Khi đó, thị trường Trung Quốc chiếm 60 - 65% thị phần hàng nội thất của thế giới chứ không riêng thị trường Hoa Kỳ.
Ở đó, có hai vấn đề lớn. Thứ nhất, đây là thời kỳ mà tại Trung Quốc các doanh nghiệp nước này quay lại cung cấp cho thị trường nội địa, một thị trường khổng lồ và lúc đó doanh thu của các doanh nghiệp Trung Quốc gần như cân bằng giữa thị trường xuất khẩu và trong nước.
Thứ hai, thị trường Trung Quốc thời điểm này bắt đầu tiêu thụ các sản phẩm cao cấp và trung cấp. Khi đó, tại Hội nghị, câu hỏi được họ đặt ra sẽ là quốc gia nào sẽ đóng vai trò dẫn đầu thế giới đối với ngành gỗ? Sau câu hỏi này, họ phân tích lợi thế, ưu nhược điểm của từng quốc gia sản xuất và xuất khẩu.
“Năm ngoái, nhẽ ra Mexico được kỳ vọng sẽ trở thành là một trong những chuỗi cung ứng rất lớn cho ngành gỗ. Nguyên nhân do chi phí logistics tăng cao tại khu vực châu Á, tất cả doanh nghiệp các nước, kể cả Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đều cho rằng họ sẽ sản xuất tại Mexico đưa vào Mỹ và Bắc Mỹ nhằm tận dụng lợi thế địa lý gần Hoa Kỳ và không bị các rào cản về thương mại.
Nhưng cho đến thời điểm này, rất nhiều người bạn của tôi làm tại Mexico đã phải đóng cửa và quay trở lại Việt Nam, bởi nhiều lý do, trong đó, quan trọng nhất đó là tại Mexico không có được chuỗi cung ứng gỗ hoàn chỉnh như Trung Quốc và Việt Nam hiện nay đang có”, doanh nhân Nguyễn Quốc Khanh chia sẻ.
Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia đều là những quốc gia có lực lượng lao động lớn, họ cũng ký các Hiệp định thương mại với EU và Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là họ có khả năng để trở thành quốc gia có chuỗi cung ứng mạnh trong ngành gỗ hay không?
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, câu trả lời là không! Bởi tại Ấn Độ, Luật Công đoàn của họ rất khó. Hay những nước như Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ họ không thể xây dựng được một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ trồng rừng, khai thác rừng, các dịch vụ và đặc biệt là các sản xuất nhỏ.
Trong khi ở Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp làm về nội thất, họ có thể dễ dàng tìm kiếm các nhà cung ứng nguyên nhiên vật liệu phụ trợ. Ngày trước, chuỗi cung ứng nguyên liệu phụ trợ tập trung chủ yếu ở miền Nam và nay đã di chuyển ra miền Bắc, miền Trung. “Để xây dựng được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, Việt Nam cũng mất từ 18 - 20 năm”, ông nói.
Câu hỏi đặt ra, đâu là lý do để đặt niềm tin ngành gỗ Việt Nam sẽ phát triển vững vàng chuỗi cung ứng? Ông Nguyễn Quốc Khanh khẳng định, ngành gỗ có những nền tảng cụ thể, đó là trong vòng 6 năm trở lại đây, ngành gỗ là một trong những ngành xuất siêu của Việt Nam, thậm chí đạt con số xuất siêu 20 - 30%. Năm 2023, chúng ta xuất khẩu gỗ và sản phẩm đâu đó 15,6 tỉ USD, xuất siêu cũng đạt con số gần 6 tỉ USD. Trong tổng số xuất siêu của Việt Nam vào khoảng 28 tỉ USD, thì riêng ngành gỗ chiếm hơn 1/4. “Khi ngành gỗ xuất siêu chứng tỏ chúng ta có được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh bởi giá trị hàng Việt Nam sản xuất và xuất khẩu cao hơn giá trị chúng ta nhập khẩu”, ông phân tích.
Trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp điện tử, chip bán dẫn (vi mạch bán dẫn), gần như xuất khẩu ngang bằng nhập khẩu và chiếm dụng lao động là chính. Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, trường hợp ngành dệt may mất vào tay Bangladesh bởi hai lý do, thứ nhất, họ đã áp dụng tiêu chuẩn xanh rất sớm, rất nhanh trong bối cảnh EU đặt tiêu chuẩn này lên rất cao, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chủ quan và không thay đổi kịp. Bên cạnh đó, Bangladesh xây dựng chuỗi cung ứng tương đối tốt, chuỗi cung ứng trong ngành may gồm vải, nguyên phụ kiện, keo, các đồ lót áo,… hiện Việt Nam lại đang sản xuất rất ít các nguyên phụ liệu chính cho ngành may.
... Đến sứ mệnh tự cường trên chuỗi cung ứng
Trở lại câu chuyện ngành gỗ và sứ mệnh của Hawa, ông Khanh cho hay, khi chúng ta nói về chuỗi cung ứng ngành gỗ, chúng ta mất 18 - 20 năm để xây dựng, điều quan trọng nhất lúc này đó là chúng ta giữ được nó. Muốn giữ được nó thì phải phát triển bền vững, trong đó, cần nhấn mạnh đến 4 nội dung quan trọng.
Thứ nhất, đó là năng lực cạnh tranh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong ngành gỗ Việt Nam. Hiện ngành đang có sự hiện diện đông đảo của các doanh nghiệp thuộc khối này trong các khâu chủ đạo của chuỗi cung, bao gồm sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Năm 2023, số lượng các doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu chỉ chiếm 18,8% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu của cả nước, nhưng kim ngạch xuất khẩu của nhóm này đạt 6,24 tỷ USD, chiếm 47,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Tuy nhiên, mục tiêu của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư tại các nước đó là tìm kiếm lợi nhuận. Và khi không có được lợi nhuận thì họ sẽ di chuyển sang một quốc gia khác.
Còn các doanh nghiệp Việt thì sao? Theo ông Khanh, dù khó khăn thì chúng ta cũng phải tìm cách để trụ lại thị trường. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp FDI đang chiếm giá trị gia tăng lớn của ngành này, sự dịch chuyển của họ sẽ gây ra hụt hẫng. Trong khi đó, việc xây dựng các doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực để thay thế doanh nghiệp FDI cũng phải cần thời gian.
“Tại Hoa Kỳ, có một thương hiệu rất nổi tiếng đang dẫn đầu mua hàng ở Việt Nam với trị giá mỗi năm 300 triệu USD. Nhưng hiện gần như không có doanh nghiệp nào của Việt Nam đủ sức cung ứng cho họ mà chủ yếu là các doanh nghiệp Đài Loan. Các doanh nghiệp tham gia cung cấp đều làm vai phụ. Hay, có một nhà thiết kế nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp gỗ Đài Loan tại Việt Nam, ông đã ở đây 18 - 20 năm, tuy nhiên, nhà thiết kế này không hề biết một doanh nghiệp Việt Nam nào. Điều này có buồn không?”, ông Khánh đặt vấn đề và nhấn mạnh, sứ mệnh làm chủ chuỗi cung ứng là hết sức quan trọng, điều này mới giúp chúng ta phát triển bền vững.
Thứ hai, đó là chuyển đổi từ phương thức OEM (sản xuất hay gia công sản phẩm) sang ODM (hình thức kinh doanh chuyên thiết kế sản phẩm theo đơn đặt hàng). Mặc dù AA đã làm và có những kết quả ban đầu, nhưng đây là con đường dài và cần có những đóng góp chung của cả cộng đồng ngành gỗ. Trong bối cảnh, giá công nhân tăng, chi phí nguyên nhiên vật liệu gia tăng đặt ra bài toán làm sao để sản xuất của chúng ta có giá trị gia tăng cao hơn. Đây cũng là vấn đề chiến lược.
Thứ ba, ngành nào đó không đủ sức lôi cuốn người trẻ tham gia vào ngành thì ngành đó không thể phát triển bền vững được. Do đó, vấn đề thế hệ trẻ kế nhiệm cũng đang là vấn đề được đặt ra.
Thứ tư, AI và công nghệ chúng ta cần phải quan tâm chứ không chỉ nghĩ nó chỉ là ngành thủ công mà không cần đến.
Tại đại hội lần thứ 9, Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 8/8/2024 tại TP. Thủ Đức sẽ lấy "Tự cường trên chuỗi cung ứng" làm slogan. Đây cũng là mục tiêu mà AA, Hawa đặt ra và mong muốn không chỉ AA, Hawa mà các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ đạt được.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 20 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 18,5 tỷ USD. Đến năm 2030, giá trị xuất khẩu đạt 25 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 20,4 tỉ USD. Tự cường trên chuỗi cung ứng giúp ngành gỗ không chỉ sớm đạt được mục tiêu đề ra mà còn nâng tầm thương hiệu gỗ Việt trên trường thế giới.
nguồn : goviet.org.vn