Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng rộng rãi vào quá trình thiết kế nhà, nhưng các chuyên gia đánh giá khó thay thế được kiến trúc sư.
Bắt đầu quan tâm về trí tuệ nhân tạo từ vài năm gần đây nhưng đến tận tháng 3, KTS Trần Hữu Khoa (TP HCM) mới thử nghiệm vào thiết kế công trình thực tế. Sản phẩm đầu tiên là phần mặt tiền một căn nhà phố 4 tầng, diện tích 7x5 m, nằm trong hẻm tại TP HCM. Trước đó, căn nhà đã được cấp phép xây dựng và đổ bê tông đến tầng lửng. Vì vậy, việc thiết kế mặt tiền phải bám theo kết cấu đã được duyệt thi công, tăng độ khó cho quá trình tìm ý tưởng.
Sau khi thống nhất lựa chọn phong cách hiện đại và thiết kế dạng khối hình học mô phỏng tự nhiên, kiến trúc sư đã sử dụng AI ra một số phương án phù hợp để kịp tiến độ thi công. Mặc dù phương án đầu tiên phù hợp với yêu cầu của chủ nhà, nhưng phía nhà thầu thi công lại từ chối vì khó triển khai, kỹ thuật không đủ đáp ứng và đội chi phí so với dự kiến. Để khắc phục, thiết kế được đơn giản hóa, sử dụng dạng hình học vuông vức, chỉ bo cong các góc cửa sổ, tạo độ lõm 20 cm và vát xéo để tạo chiều sâu cho mặt tiền. Nhờ đó, phương án thứ hai đã được chốt thi công và hoàn thiện sau khoảng 2 tháng.
Mặt tiền nhà phố (ảnh phải) thi công theo phương án tham khảo từ AI (ảnh trái). Có sự chênh lệch giữa hai phương án do chủ nhà thay đổi công năng sử dụng, hệ cột dầm đã xây xong nên phải sửa lại chi tiết cho đúng thực tế. Ảnh: Hữu Khoa
Qua một thời gian trải nghiệm, KTS Trần Hữu Khoa cho rằng việc ứng dụng AI vào thiết kế nhà có 3 ưu điểm: Có thể tạo ra nhiều phương án so sánh chỉ trong thời gian ngắn; Tối ưu chi phí đầu tư, chỉ cần máy tính cơ bản là sử dụng được AI; Hỗ trợ kiến trúc sư trao đổi nhanh chóng bằng hình ảnh với chủ nhà và nhà thầu, cùng giải quyết các vấn đề phát sinh khi thi công.
Để sử dụng AI hỗ trợ thể hiện ý tưởng thiết kế, người dùng có thể truy cập vào website ứng dụng, tạo tài khoản đăng nhập, tải lên hình ảnh hiện trạng công trình và điền các trường thông tin như phong cách, màu sắc và nhận kết quả. Tất cả quá trình đều làm online mà không cần cài đặt phần mềm vào máy tính. Thiết bị không cần cấu hình cao, card đồ họa tốt, ngay cả máy tính bảng màn hình 10 inch cũng có thể sử dụng được. Bên cạnh đó, thao tác tương đối đơn giản, người chưa biết về AI chỉ cần dành ra một ngày là có thể tự nghiên cứu, thực hành. Về chi phí, người dùng được miễn phí sử dụng cho 100 tấm ảnh đầu tiên, khi đăng ký tài khoản, mức phí là 20 USD (khoảng 500.000 đồng) cho một tháng sử dụng.
"Nhìn chung, AI giúp chủ nhà có nhiều phương án thiết kế tốt để lựa chọn, với mức chi phí phù hợp, chất lượng thẩm mỹ cao hơn so với mặt bằng chung", KTS Trần Hữu Khoa chia sẻ.
Từng thử tìm hiểu công nghệ AI để tìm phương án cải tạo cho ngôi nhà phố cũ, nhưng Hà Nguyệt (Hà Nội) lại có trải nghiệm chưa tốt. Sau khi đọc hướng dẫn sử dụng, Nguyệt thử tải một bức ảnh hiện trạng phòng ngủ, điền đầy đủ các thông tin yêu cầu như: phong cách hiện đại, vật liệu sàn gỗ, tường sơn, sau đó chờ khoảng từ 1-2 phút là đã nhận được kết quả gồm 5 ảnh. Tuy nhiên, cô cho biết khá thất vọng vì các gợi ý không giống như tưởng tượng ban đầu, khi các chi tiết rời rạc, không đẹp, thậm chí phần cửa sổ còn bị chuyển đổi thành tủ âm tường.
Sau vài lần thử nghiệm, Nguyệt quyết định lên các website cung cấp dữ liệu miễn phí, tìm ảnh có sẵn, chọn phong cách theo sở thích sau đó gửi cho kiến trúc sư để họ nắm được yêu cầu và lên bản vẽ.
Ảnh hiện trạng phòng ngủ nhà phố (trái) và phương án thiết kế cải tạo do AI gợi ý (phải).
Theo KTS Huỳnh Xuân Hải (Công ty cổ phần Thiết kế - Xây dựng và Đào tạo Kiến Thiết Việt), ứng dụng AI vào thiết kế nhà là xu hướng đang trở nên phổ biến. Nếu sử dụng đúng, AI có thể làm thay khoảng 15% công việc của một kiến trúc sư khi xây nhà. Tuy nhiên, các phương án đưa ra đa phần đều xa vời, khó triển khai trên thực tế.
Theo lý giải của ông Hải, ngoài việc cung cấp các phương án diễn họa, trí tuệ nhân tạo không thể lên các phương án bố trí công năng theo nhu cầu riêng của mỗi gia đình, chọn vật liệu và kiến trúc giúp thích nghi tốt với điều kiện thời tiết tại địa phương. Chưa kể, AI không thể đưa ra phương án thi công sát với ngân sách, nên rất khó để có được giải pháp tối ưu, tiết kiệm.
"AI khó có thể thay thế hoàn toàn vai trò của kiến trúc sư, dù ở hiện tại hay tương lai", ông Hải nói.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thiết kế nhà cần tùy thuộc vào mức độ tìm hiểu của người sử dụng, theo KTS Trương Thành Trung (Công ty TNHH kiến trúc T&T). Nếu gia chủ có kiến thức nền tốt, tìm hiểu sâu và kỹ càng trước có thể tận dụng để tìm ý tưởng. Những trường hợp còn lại không nên sử dụng vì sẽ chỉ tốn thời gian. Kết quả do AI đưa ra phụ thuộc lớn vào độ chính xác trong cách đặt câu lệnh ban đầu.
Ở góc độ của người thiết kế, ông Trung cho rằng mỗi công trình đều giống như "đứa con tinh thần" của kiến trúc sư, là kết quả của một quá trình dài hơi từ ấp ủ ý tưởng, lên bản vẽ, đến thi công hoàn thiện. Nếu bị lệ thuộc vào AI, các công trình sẽ trở thành những "sản phẩm vô hồn, không mang đến cảm xúc cần có cho không gian sống". Vì vậy, công nghệ AI chỉ nên được sử dụng để hỗ trợ cho kiến trúc sư và chủ nhà trong giai đoạn đầu tìm kiếm ý tưởng concept.
KTS Huỳnh Xuân Hải cũng khuyên các chủ nhà không nên phó mặc việc thiết kế cho AI để tiết kiệm, vì chi phí cho hạng mục này thường chỉ chiếm khoảng 1-5% tổng giá trị, chưa kể có nhiều đơn vị hiện nay còn miễn phí thiết kế. Nếu trường hợp ngân sách thấp không đủ khả năng thuê kiến trúc sư, có thể chọn cách tham khảo thêm từ công trình hàng xóm, tìm mẫu nhà phù hợp trên các website nội thất, sau đó nhờ một đơn vị thi công uy tín tư vấn thêm. Việc quan trọng hơn cả vẫn là nghiên cứu kỹ năng lực của nhà thầu thi công, có thể đến tận nơi xem các công trình họ đã triển khai thực tế, sau đó đánh giá và chọn đơn vị phù hợp nhất.
Trong lĩnh vực kiến trúc, AI đang tham gia vào quá trình thiết kế, lập kế hoạch, tạo ra các không gian kiến trúc và nội thất giả định dựa trên yêu cầu của người dùng. Theo trang Dezeen, nhiều công ty công nghệ đã phát hành phần mềm sử dụng AI để chuyển đổi văn bản đầu vào của người dùng thành hình ảnh và được đánh giá là "giống thật đến kỳ lạ". Điều này đã trở thành chủ đề cho nhiều cuộc thảo luận về việc AI có thể tác động đến tương lai của ngành thiết kế và kiến trúc.Hiện thế giới vẫn chưa ghi nhận công trình nào được thi công hoàn toàn theo phương án thiết kế từ AI.