Xịt rửa mũi, súc miệng bằng nước muối ấm, đeo khẩu trang khi ra ngoài, tăng cường hệ miễn dịch để phòng viêm mũi dị ứng tái phát.
Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích, viêm do các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, lông thú cứng, khói bụi, mạt bụi, ẩm mốc trong nhà. Bệnh chia làm hai nhóm là viêm mũi dị ứng theo mùa và viêm mũi dị ứng quanh năm.
Triệu chứng phổ biến như chảy nước mũi, nghẹt và ngứa mũi, ngứa mắt, hắt xì, khó thở, mệt mỏi. Thời tiết khô lạnh vào mùa đông tạo điều kiện cho các tác nhân gây viêm mũi dị ứng phát triển. Một số cách dưới đây góp phần ngăn ngừa tình trạng này.
Bảo vệ tai mũi họng bằng cách vệ sinh mũi, họng thường xuyên. Rửa xịt mũi mỗi khi ra ngoài để loại bỏ tác nhân gây dị ứng, tránh viêm mũi tiến triển.
Hạn chế tác nhân dị ứng: Người có tiền sử dị ứng hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng hoặc chất kích thích có thể dẫn đến triệu chứng. Ví dụ nếu bạn bị dị ứng với mạt bụi có thể sử dụng vỏ bọc nệm, dọn dẹp và lau bụi nhà cửa hàng ngày. Đóng cửa chính, cửa số để hạn chế phấn hoa bên ngoài bay vào.
Dùng điều hòa thay quạt trần giúp tránh bụi bẩn phát tán khắp nhà, tắm và giặt quần áo sau khi ra ngoài để loại bỏ phấn hoa, khói bụi. Nếu tập thể dục ngoài trời, nên tập vào thời điểm trước 10h vì lượng phấn hoa thấp hơn.
Xịt và súc miệng bằng nước muối khoảng 3-4 lần trong ngày, nhất là khi ra ngoài về, để loại bỏ chất gây dị ứng bám vào mũi. Dùng nước muối còn hỗ trợ giảm viêm. Người bị viêm mũi dị ứng có thể mua nước muối pha sẵn ở hiệu thuốc hoặc tự pha, tránh nuốt nước muối.
Xịt mũi là lựa chọn thay thế khác nếu gặp các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, ngứa, chảy nước mũi, nghẹt mũi. Xịt mũi sau khi dọn nhà và ra ngoài giúp làm sạch các tác nhân có nguy cơ gây viêm mũi dị ứng.
Tăng cường miễn dịch bằng cách ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin C từ rau, củ quả nhiều màu sắc. Bởi khi hệ miễn dịch yếu, cơ thể dễ bị dị ứng. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để hệ miễn dịch khỏe hơn, ngủ đủ giấc góp phần phòng tránh bệnh này.
Viêm mũi dị ứng không thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh không được kiểm soát có thể gây biến chứng như thoái hóa niêm mạc mũi, phù nề gây nghẹt mũi, viêm loét vùng tiền đình mũi, viêm họng, viêm xoang.
Trường hợp viêm mũi dị ứng không ảnh hưởng đến ăn, uống, sinh hoạt hàng ngày, người bệnh có thể kiểm soát tại nhà bằng các cách nêu trên. Nếu triệu chứng thường xuyên xảy ra, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị, tránh bệnh kéo dài gây biến chứng nghiêm trọng.