Mỹ tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông báo của DOC, kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm được gia hạn tới ngày 15/7/2024. Đối với điều tra lẩn tránh thuế, DOC cũng đã tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 29/7 và ngày 28/10/2024.
Vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại bị DOC lần lượt khởi xướng từ tháng 5 và tháng 6/2022. Tháng 9/2023, DOC ban hành thông báo điều chỉnh kết luận sơ bộ tháng 3/2023, theo đó liệt kê 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc thuộc phạm vi của lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc.
Trước đó, từ tháng 4/2020 đến nay, Mỹ áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế CBPG là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế CTC là từ 13,33% đến 293,45%.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, trong tháng 5/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,25 tỷ USD, giảm 8% so với tháng 4/2024, nhưng tăng 18,1% so với tháng 5/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 812 triệu USD, giảm 13,5% so với tháng 4/2024, nhưng tăng 5,9% so với tháng 5/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,16 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường gỗ đang phục hồi trở lại, hoạt động xuất khẩu hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trưởng tích cực trong 4 tháng đầu năm 2024. Trong đó, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 61,4% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều ở mức cao, nhờ tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên.
Cùng với đó, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã cập nhật nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao.
Điều này cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng trị giá xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, hiên Mỹ đang là thị trường xuất khẩu trọng điểm gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Riêng mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 40% tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ. Hiện các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu tại thị trường Mỹ ngày càng chặt chẽ hơn. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ đang sửa đổi, bổ sung tổng cộng 22 nội dung liên quan một số quy định trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Những nội dung nói trên bao gồm cả những cách xác định một số trợ cấp mới như bảo hiểm xuất khẩu, xóa nợ, thuế trực tiếp...; tác động của khí nhà kính nhằm bổ sung cho chính sách thương mại nằm trong Dự luật do các nghị sĩ yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden cho tiến hành nghiên cứu cường độ phát thải đối với hoạt động sản xuất một số hàng hóa nhất định bên trong và bên ngoài nước Mỹ.
nguồn : goviet.org.vn