Muốn có ngành công nghiệp gỗ vững mạnh, đủ sức cạnh tranh cần phải tập trung phát triển hiệu quả nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chất lượng cao.
Khi thị trường yêu cầu
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,54 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Dù tín hiệu đầu năm 2024 khá lạc quan, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang đứng trước khó khăn mới, trong đó, các đối tác quốc tế đang ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc gỗ, sản xuất bền vững và giảm phát thải carbon.
Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho hay, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ luôn là điểm đến lớn nhất đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam với trị giá xuất khẩu chiếm khoảng 53% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Tuy nhiên, tại thị trường Hoa Kỳ này, các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu ngày càng chặt chẽ hơn. Mặt khác, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang sửa đổi, bổ sung tổng cộng 22 nội dung liên quan một số quy định trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp bao gồm cả những cách xác định một số trợ cấp mới như bảo hiểm xuất khẩu, xóa nợ, thuế trực tiếp….
Ngoài ra, tác động của khí nhà kính nhằm bổ sung cho chính sách thương mại nằm trong dự luật do các nghị sỹ yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden cho tiến hành nghiên cứu cường độ phát thải đối với hoạt động sản xuất một số hàng hóa nhất định bên trong và bên ngoài nước Mỹ.
Tại thị trường EU, quy chế Chống mất rừng của EU (còn gọi là EUDR) của Liên minh châu Âu, tháng 12/2024 tới có hiệu lực. Với quy định về xác định nguồn gốc gỗ của Việt Nam hiện chưa thích quy định cụ thể. Hay với thị trường Nhật, yêu cầu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sử dụng nguồn gỗ có nguồn gốc rõ ràng ngày càng cao.
Sản xuất đồ gỗ tại Công ty CP Woodsland Tuyên Quang - Ảnh Gỗ Việt (minh họa)
Thích ứng để phát triển bền vững
Đầu vào của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đến từ hai nguồn, gỗ nhập khẩu và gỗ từ rừng trồng trong nước. Hiện, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đã đáp ứng được hơn 70% nhu cầu chế biến gỗ xuất khẩu.
Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu trồng rừng sản xuất đạt khoảng 340.000 ha/năm vào năm 2030. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030. Theo đó, đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, nhằm tạo vùng nguyên liệu bền vững cho ngành công nghiệp chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Mục tiêu đặt ra khá rõ ràng, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vướng mắc cũng không ít. Trong đó, quá trình thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp cũng còn những tồn tại, khó khăn như quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ; năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp.
Trong bối cảnh từ yêu cầu thực tế từ thị trường xuất khẩu là yếu tố để các cơ quan xây dựng và hoạch định chính sách soi chiếu lại những chủ trương, định hướng từ đó bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách cho phù hợp với tình hình mới.
Ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – thông tin, định hướng trong thời gian tới, ngành Lâm nghiệp tiếp tục sửa đổi các quy định về pháp luật để đồng bộ hóa với các quy định mới của Luật đất đai 2024, trong đó, có Điều 248 về sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó, phân cấp, phân quyền, thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho UBND cấp tỉnh. Bên cạnh đó, ngành Lâm nghiệp sẽ tham mưu Chính phủ để ban hành các Nghị định về hướng dẫn và để thực hiện quy định này sớm nhất có thể;…
“Hiện nay, việc giao đất, giao rừng, về các đối tượng nhận đất, nhận rừng, Luật Lâm nghiệp cũng đã đồng bộ hóa trong Luật Đất đai 2024. Ngành Lâm nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi để đồng bộ hóa đối tượng giao đất, giao rừng này và đơn giản hóa thủ tục hành chính, người dân có thể yên tâm sản xuất trên các mảnh đất được giao”,ông Trần Quang Bảo thông tin.
Cũng theo ông Trần Quang Bảo, hiện nay việc theo dõi thống kê số liệu đất đai cũng có sự chênh lệch nhất định giữa ngành tài nguyên môi trường và ngành lâm nghiệp. Để thực hiện việc này, ngành Lâm nghiệp đang tham mưu trình Chính phủ ban hành Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia, trong đó xác định các chỉ tiêu rõ ràng các loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, trên cơ sở đó các địa phương sẽ rà soát cụ thể, đóng mức ranh giới, thống kê, kiểm kê nhằm đồng bộ hóa về cơ sở dữ liệu đất đai, tiến tới góp phần quản lý ổn định, huy động nguồn lực xã hội, đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ổn định.
Bên cạnh đó, ngành Lâm nghiệp sẽ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, ứng dụng chuyển đổi số nhằm hướng tới toàn bộ cơ sở dữ liệu của hơn 1 triệu chủ rừng được quản lý tới từng lô, từng khoảnh, cập nhật theo dõi diễn biến hàng năm.
Đối với 14,7 triệu ha rừng hiện này thì có khoảng 3 triệu ha chưa có chủ thực sự và đang được tạm giao cho cấp xã quản lý, trên cơ sở luật đất đai được ban hành, trên cơ sở những hướng dẫn đồng bộ, trên cơ sở kết quả kiểm kê tổng điều tra rừng toàn quốc, trên cơ sở các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục rà soát cụ thể, diện tích rừng này sẽ tiếp tục giao, đặc biệt là cho các đối tượng người dân có thể nhận đất, nhận rừng, ổn định sinh kế tại vùng sâu vùng xa.
Các chủ trương này đã được nhận diện rõ ràng, hiện nay, các cấp từ Trung ương đến địa phương sẽ ban hành các chính sách, các hướng dẫn, xây dựng các chương trình để triển khai việc giao đất, giao rừng, cắm mốc ranh giới,… để từng bước một, rừng sẽ có chủ sở hữu. Việc này sẽ góp phần thực hiện các quy định mới của thị trường về truy xuất nguồn gốc gỗ cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu;…
Việc tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh đa dạng; gắn trồng rừng sản xuất gỗ lớn với công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị sẽ là giải pháp để phát triển hiệu quả và bền vững các vùng nguyên liệu gỗ chất lượng cao, phục vụ ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang bị cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường thế giới…
nguồn : goviet.org.vn